Những tưởng thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về mức 0% sẽ tạo động lực giúp thị trường ô tô Việt Nam nước bứt phá khi bước sang năm 2018. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, tác động từ chính sách mới với những quy định khắt khe về nhập khẩu ô tô đang biến thị trường ô tô VN những tháng đầu năm trở thành sàn diễn của xe lắp ráp trong nước. Giá bán ô tô không giảm như kỳ vọng cùng với tâm lý chờ xe nhập khẩu hưởng thuế 0% từ ASEAN của người tiêu dùng, khiến sức mua của thị trường ô tô vẫn chưa thể bứt phá.
Ô tô ngoại khan hàng
Theo nội dung Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ETIGA) kể từ ngày 1.1.2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) đạt tỉ lệ nội địa hóa theo quy định từ các nước nội khối ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%. Thế nhưng, những tác động từ Nghị dịnh 116 và Thông tư 03 với các quy định thắt chặt ô tô nhập khẩu khiến một số xe nhập vẫn chưa thể về Việt Nam tính từ đầu năm đến nay.
Kết thúc tháng thứ 3.2018 chỉ có duy nhất lô xe 2.000 chiếc của Honda gồm các mẫu CR-V, Jazz, Civic và Accord hoàn tất thủ tục, giấy tờ theo quy định mới để gia nhập thị trường Việt. Riêng GM Việt Nam phải chờ đợi đến cuối tháng 4.2018 mới thông quan được lô xe nằm trong diện thưởng thuế 0%, bao gồm các mẫu Colorado và Trailblazer. Hầu hết các mẫu xe này đều được nhập khẩu từ Thái Lan. Trong khi đó, đại diện Toyota Việt Nam cho biết đang tiến hành hoàn tất thủ tục giấy tờ theo quy định để nhập các mẫu Fortuner, Wigo, Rush và Avanza từ Indonesia về Việt Nam. Riêng Ford vẫn đang gặp khó khi các mẫu xe nhập khẩu vẫn “chưa hẹn ngày về”.
Lượng ô tô được các hãng nhập về trước đó cũng đã tiêu thụ hết trong 3 tháng đầu năm. Đại diện Ford Việt Nam cho biết, số lượng xe nhập khẩu thuộc các dòng Ranger, Everest hay Explorer chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thị trường đến hết quý I năm 2018. Trong khi các dòng xe hút khách như Toyota Fortuner, Yaris… không còn đủ nguồn cung từ tháng 2.2018. Điều này khiến ô tô nhập khẩu từ ASEAN rơi vào cảnh khan hàng, một số đại lý của Ford, Toyota… thậm chí không còn xe để bán trong tháng 4.2018.
Xe lắp ráp giữ giá
Ô tô nhập khẩu không đảm bảo được nguồn cung, sức cạnh tranh trên thị trường sụt giảm bởi sự lấn át của các dòng xe lắp ráp trong nước. Tính đến tháng 4.2018 hầu hết giá bán các mẫu ô tô “nội” vẫn “bình chân như vại”.
Toyota tiếp tục giữ nguyên giá bán các dòng xe lắp ráp tại Việt Nam, gồm Vios, Innova, Camry hay Corolla Altis. Honda ngoài việc tăng giá bán các mẫu xe nhập khẩu cũng giữ nguyên giá niêm yết của mẫu City. Trong khi đó, phần lớn các mẫu xe KIA, Mazda, Peugeot do Trường Hải lắp ráp đều không có nhiều thay đổi về giá bán so với những tháng đầu năm. Riêng các dòng xe lắp ráp trong nước của Nissan như Sunny, X-Trail chẳng những không giảm mà còn tăng giá bán từ 10 – 27 triệu đồng.
Động thái này khiến không ít khách hàng mang tâm lý tiếp tục chờ đợi, khiến sức mua của thị trường ô tô vẫn chưa thể bứt phá.
Thị trường ô tô dậm chân tại chỗ
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4.2018 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.123 xe, giảm 4 xe so với tháng 3.2018. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ ô tô trong tháng 4.2018 giảm khoảng 4%.
Xe thương mại và xe chuyên dụng đều sụt giảm doanh số bán khoảng 8% so với tháng trước. Riêng mảng xe du lịch được các hãng bán ra 13.549 xe trên thị trường, tăng 5% so với tháng 3.2018. Xét theo nguồn gốc xuất xứ, cơ cấu tiêu thụ ô tô nhập khẩu, lắp ráp trong nước tháng 4.2018 cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước đạt 17.910 xe giảm 5% so với tháng trước trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 3.213 xe, tăng 37% so với tháng trước.
Tuy nhiên mức tăng lượng xe nhập khẩu trong tháng 4.2018 chủ yếu đến từ các dòng xe thương mại, xe chuyên dụng. Riêng dòng xe du lịch nhập khẩu, ngoài mẫu Honda CR-V bán ra hơn 1.500 xe, còn lại doanh số các mẫu xe khác đều sụt giảm mạnh do không đủ nguồn cung. Đại diện một đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM cho biết: “Nhu cầu sắm ô tô tại Việt Nam vẫn rất lớn do đã bị dồn nén suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, việc nhiều mẫu xe nhập khẩu chưa thể về Việt Nam tính đến thời điểm này, khiến nguồn cung bị hạn chế. Xe lắp ráp trong nước dù đa dạng về mẫu mã, giá bán cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu khách hàng, khi giá không có nhiều thay đổi so với năm ngoái”.
Trong tháng 4.2018, nguồn cung gần cạn kiệt khiến doanh số những mẫu xe vốn hút khách như Ford Ranger, Chevrolet Colorado… giảm mạnh. Trong khi đó, Toyota Fortuner, Toyota Yaris thậm chí không có xe để bán. Ngoại trừ Honda đạt mức tăng trưởng 115% so với tháng 3.2018 nhờ sự thăng hoa của CR-V, các hãng xe còn lại đều sụt giảm doanh số. Toyota bán ra 4.234 xe, giảm 6% so với tháng trước. Trong khi lượng tiêu thụ xe Ford giảm 28%, GM Việt Nam giảm 42%. Doanh số bán các dòng xe KIA, Mazda do THACO phân phối cũng giảm từ 4 – 5% so với tháng 3.2018.
Tính chung quy 4 tháng đầu năm 2018, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường đạt 80.681 chiếc, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của đại diện một hãng xe thuộc VAMA, với việc một số DN nhập khẩu đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục nhập khẩu ô tô theo quy định, nhiều mẫu xe nhập từ ASEAN có giá bán cạnh tranh sẽ đổ bộ về VN trong nửa sau của năm 2018. Qua đó, sẽ phần nào giải tỏa “cơn khát” xe nhập khẩu vốn đã bị kìm nén từ đầu năm đến nay. Xu hướng cạnh tranh giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu sẽ giúp thị trường tìm lại đà tăng trưởng.